Trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, Hội LHPN huyện Phú Ninh luôn xác định, sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo. Nhận thức vấn đề này, Hội LHPN huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động với nhiều hình thức, giải pháp sáng tạo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Ngay từ đầu năm 2024, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn Hội phụ nữ cơ sở trực tiếp khảo sát những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hội đăng ký giúp. Theo đó, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã đăng ký nhận giúp 38 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội LHPN huyện và các địa phương đã trao phương tiện sinh kế cho 35 hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn với kinh phí 287 triệu đồng; trong đó nguồn của Hội 50 triệu đồng, nguồn tranh thủ từ Mặt trận và các ban, ngành, tổ chức cá nhân trên 237 triệu đồng.
Nhiều hộ phụ nữ thoát nghèo từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ
Để đổi mới, đa dạng hơn các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế bền vững và đáp ứng nhu cầu của hội viên, Hội LHPN huyện tăng cường, hướng dẫn Hội LHPN các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác khởi nghiệp. Năm 2024, Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn thành lập mới 01 Hợp tác xã “Nông sản và Dược liệu Phương Linh” (Tam Đàn) do phụ nữ quản lý làm giám đốc. Phối hợp với Hội Khởi nghiệp của huyện tổ chức lớp tập huấn lập kế hoạch kinh doanh, có 50 hội viên, phụ nữ là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hội viên, phụ nữ đang khởi nghiệp và có ý tưởng khởi nghiệp tham gia.
Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh, chương trình “Chợ quê ngày Tết - phiên chợ 0 đồng”. Hằng quý, tổ chức chương trình “Chắp cánh khởi nghiệp xanh, chợ nông sản quê”. Theo đó đã có 30 lượt gian hàng với trên 150 lượt sản phẩm của hội viên, phụ nữ sản xuất tại địa phương được trưng bày, tạo điều kiện cho chị em hội viên, phụ nữ giới thiệu, mua bán, cung ứng các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, tiếp tục khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ.
Hội LHPN 11 cơ sở Hội đã tổ chức 12 điểm truyền thông với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”; trên 30 phiên chợ quê kết nối sản phẩm khởi nghiệp; 40 chi hội tổ chức chương trình ngày hội khởi nghiệp xanh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện với hơn 200 lượt sản phẩm được trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm; thành lập điểm mô hình “Tổ liên kết tiêu thụ sản phẩm quê” tại Tam Thái. Cạnh đó, Hội LHPN huyện và Hội LHPN các địa phương đã tổ chức chương trình livestream trên 50 lượt kết nối, giới thiệu bán các sản phẩm của chị em phụ nữ khởi nghiệp; phối hợp mở 04 lớp đào tạo nghề cho hội viên, phụ nữ trong độ tuổi lao động nông thôn, thu hút trên 120 chị tham gia.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã giúp nhiều trẻ em có điều kiện tiếp tục học tập
Các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ phụ nữ yếu thế, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đăc biệt khó khăn cũng được Hội quan tâm triển khai thực hiện. Theo đó, Hội LHPN huyện Phú Ninh duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “Phụ nữ Phú Ninh- Đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật”. Hội LHPN huyện cùng với các cơ sở duy trì giúp 14 phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn huyện. Hằng tháng, Ban chấp hành Hội LHPN huyện cùng với cơ sở tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí, thực phẩm, các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt gia đình, giúp dọn dẹp nhà cửa, giúp kết nối tuyên truyền vận động hỗ trợ bán sản phẩm; vận động hội viên, phụ nữ và toàn xã hội mua; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đối với trường hợp bán hàng online... Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức chương trình “Bữa cơm yêu thương”, thăm và tặng quà hộ phụ nữ khuyết tật được Hội nhận chăm sóc với tổng kinh phí trên 50 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, ý chí vươn lên của chị em phụ nữ khuyết tật; tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ yếu thế hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, để không có ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2024, Hội LHPN huyện cũng đã tổ chức chương trình “Tỏa sáng vầng trăng khuyết”, giúp chị em phụ nữ khuyết tật kém may mắn có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm vượt khó vươn lên.