Khuôn viên Trường THCS Trần Phú, xã Tam Đàn
Lần theo dòng lịch sử để tìm hiểu về trụ biểu, nay chỉ còn phế tích là 01 cột ở góc sân trường THCS Trần Phú, xã Tam Đàn. Ít ai biết rằng, trụ biểu này gắn liền dấu tích lịch sử của Văn thánh Chiên Đàn vang bóng một thời.
Đầu năm 1840, Văn thánh Chiên Đàn được khởi công xây dựng và 02 năm sau đó được khánh thành. Mục đích của việc xây dựng Văn thánh là nhằm thờ Khổng Tử- tôn vinh sự học, cũng là nơi các học trò tập trung trước khi về Kinh thi Hương, thi Hội. Và sau khi thi xong, công đã thành, doanh đã toại thì họ lại tập trung về Văn thánh nghỉ lại, đợi làng xóm đến đón về vinh quy bái tổ. Trong thời gian các sĩ tử ở lại đây, ở hai trụ biểu (hiện nay còn 01 cột ở góc sân trường THCS Trần Phú, xã Tam Đàn) của Văn Thánh được thắp đèn sáng suốt ngày đêm để mừng các sĩ tử người của làng đỗ đạt thành tại về đây vinh quy bái tổ. Tại đây, Nhân dân trong làng đóng góp của cải và tổ chức đón rước những tân khoa và khao dân làng. Theo lời kể lại, khoảng cuối thập niên 1930, có một thanh niên trong làng đỗ bằng Diplome đã được dân làng giương cờ, trống ra đến tận địa giới huyện Thăng Bình để đón rước về và tổ chức khao dân làng tại đây.
Mang trên mình trọng trách là nơi chứng danh cho sự học, Văn thánh Chiên Đàn đã trải qua hơn 100 năm với những thăng trầm lịch sử. Lúc mới xây dựng, vị trí của Văn Thánh được xây dựng cạnh Đình làng Chiên Đàn (là nền Trường THCS Trần Phú ngày nay). Về quy mô chỉ một nhà thờ 5 gian 2 chái và các văn bia thờ Khổng Tử. Sau đó được mở rộng thêm về không gian. Từ khi được xây dựng cho đến ngày được di chuyển vào địa điểm mới- Khổng Miếu Tam Kỳ, Văn Thánh Chiên Đàn đã gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng. Không chỉ là nơi tôn vinh sự học, Văn Thánh còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của huyện. Khi Quang Trung- Nguyễn Huệ trên đường kéo quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh, ông đã dừng chân tại Văn thánh Chiên Đàn để kêu gọi và tập hợp lực lượng. Và trong rất nhiều người tham gia, Phú Ninh tự hào vì có 4 tướng tài ghi tên mình trong trận đánh lịch sử mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Tiếp đó, khi phong trào Cần Vương diễn ra rộng khắp, thì đây cũng là điểm quy tụ, tập hợp lực lượng yêu nước của các phong trào. Cũng tại Văn thánh Chiên Đàn, các chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã tổ chức các cuộc diễn thuyết, vận động lực lượng tham gia phong trào Duy Tân. Đầu năm 1947, nơi đây còn được huyện Tam Kỳ chọn để tổ chức lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự cho các xã.