Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi

Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Ninh trong gần 20 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt năm 2023, NHCSXH huyện đã thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Huy động vốn đạt 100% kế hoạch

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện các chủ trương trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do NHCSXH thực hiện. 

Trải qua gần 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn, NHCSXH huyện Phú Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tăng cường công tác huy động nguồn vốn huy động tiết kiệm từ dân cư và các tổ chức kinh tế, cá nhân; góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến năm 2023 còn 1,93%, hộ cận nghèo 1,24%.

Bà Nguyễn Thị Trang – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Ninh chia sẻ: Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ của chính quyền, công tác chỉ đạo quyết liệt, sát sao của NHCSXH tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện, cùng sự tham gia trách nhiệm của các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác và nổ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện tốt công tác huy động các nguồn vốn đạt 100% kế hoạch; dư nợ 12 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện đạt 343.781 triệu đồng, tăng trưởng dư nợ 39.061 triệu đồng (+12,8%) so với năm 2022, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023. 

Mỳ sợi phở chị Huỳnh Thị Hòe

Từ các nguồn vốn vay chính sách, nhiều gia đình đã có nguồn kinh tế ổn định

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào 07 chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 99,5% tổng dư nợ. Cụ thể, Chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ đạt 714 triệu đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ. Cho vay hộ cận nghèo 93.084 triệu đồng, chiếm 27%. Cho vay hộ mới thoát nghèo 7.948 triệu đồng, chiếm 2,3%. Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 76.749 triệu đồng, chiếm 22,3%. Cho vay giải quyết việc làm 105.005 triệu đồng, chiếm 30,5%. Cho vay đi làm việc có thời hạn ở nướ ngoài 618 triệu đồng, chiếm 0,2%. Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP 44.156 triệu đồng đồng, chiếm 12,8% tổng dư nợ. Đến 31/12/2023, nợ quá hạn là 444 triệu đồng, chiếm 0,13%/tổng dư nợ, đánh giá chất lượng tín dụng chính sách cấp huyện hằng tháng và năm luôn được xếp loại Tốt, từ 99 điểm trở lên. Công tác thu nợ đến hạn đạt kế hoạch đề ra.

Năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư có hiệu quả, đã hỗ trợ tạo việc làm cho 964 lao động; tạo điều kiện cho 684 hộ gia đình vay vốn xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 176 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; giúp 132 hộ vay vốn trang trải chi phí học tập học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 34 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp; giúp 7 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giải ngân cho 6 gia đình mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến… góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương. 

Bên cạnh đó, NHCSXH huyện đã thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua việc tổ chức giao dịch tại 11 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn vào 01 ngày cố định trong tháng; phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xã, thị trấn và 162 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại thôn, khối phố để chuyển tải các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. 

Với kết quả trên, năm 2023, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Ninh đã được được Tổng Giám đốc khen tặng cho tập thể làm tốt trong công tác tham mưu nguồn vốn ngân sách địa phương, Giám đốc chi nhánh đánh giá tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 2 cá nhân được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 3 cá nhân được tặng Giấy khen của Tổng Giám đốc, 1 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng.

Các giải pháp triển khai đồng bộ

Để đạt được kết quả trên, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Huyện ủy, HĐND-UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện để tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo cả hệ thống chính trị; thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn của NHCSXH cấp trên, bám sát Nghị quyết của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và chương trình công tác của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tốt chức năng, vai trò tham mưu giúp việc cho Ban đại diện Hội đồng quản trị – NHCSXH huyện điều hành có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn. Cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương cấp xã công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách ở cơ sở, nắm bắt những tồn tại, khó khăn để có giải pháp xử lý, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Công tác phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Thường xuyên củng cố Tổ Tiết kiệm và vay vốn, xác định đây là hạt nhân, cánh tay nối dài của NHCSXH ở cơ sở thôn, khối phố. 

Công tác thi đua khen thưởng luôn được Ngân hàng chính sách xã hội huyện quan tâm

 

Một trong những giải pháp cũng đã được triển thai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, theo bà Nguyễn Thị Trang – Giám đốc NHCSXH huyện Phú Ninh, đó là: Ban Giám đốc tăng cường tham gia họp giao ban, tham gia chỉ đạo xử lý nợ ở những nơi có chất lượng thấp, có nhiều tồn tại. Công tác xử lý tập trung vào từng món vay, từng trường hợp cụ thể, chủ động làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND các xã, thị trấn để xây dựng kế hoạch triệu tập tổ xử lý nợ cùng phối hợp tìm giải pháp xử lý. Đồng thời chú trọng phong trào thi đua, xây dựng Phòng giao dịch vững mạnh, xã, thị trấn không có nợ quá hạn, Tổ vay vốn xuất sắc, cán bộ ngân hàng giỏi, gắn với khen thưởng để động viên phong trào. 

Tin liên quan