CÁNH SÓNG MÙA XUÂN

Chuyển đổi số đã và đang tạo ra diện mạo mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống truyền thanh cơ sở cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc đầu tư hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông được xem là mảnh ghép quan trọng trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ở Phú Ninh và cũng là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Nam có 100% xã, thị trấn đưa hệ thống truyền thanh thông minh vào vận hành, về đích trước 2 năm so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Mùa Xuân này, những người làm công tác truyền thanh của huyện Phú Ninh như có thêm động lực để phấn đấu, để cống hiến trong niềm tin sâu sắc với nghề bởi hệ thống truyền thanh FM đã được thay thế hoàn toàn bằng truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông hay còn gọi là truyền thanh IP, truyền thanh thông minh. 

Lắp đặt cụm loa truyền thanh công nghệ thông tin – viên thông tại xã Tam Lộc

Đều đặn nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Lành - cán bộ Truyền thanh xã Tam Lộc đã quen với việc thức giấc từ hơn 4 giờ sáng, đến cơ quan để sẵn sàng cho công việc tiếp âm các chương trình phát thanh phục vụ nhu cầu thông tin của Nhân dân. Không quản ngại mưa gió hay những ngày lễ, tết, công việc của anh Lành cũng như những người làm truyền thanh cơ sở là âm thầm mang “tiếng sóng” đến với mọi nhà. Nhưng nay, bản thân anh Lành nói riêng và 10 cán bộ Đài cơ sở trên địa bàn huyện Phú Ninh đã không cần phải đi đến cơ quan mà chỉ cần mở phần mềm được cài sẵn trên điện thoại để thực hiện công việc của mình, ở bất cứ nơi nào. Anh Lành chia sẻ: “Cán bộ Đài truyền thanh xã chúng tôi thực sự rất vui khi được vận hành hệ thống truyền thanh mới này. Tam Lộc là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện được đầu tư sớm nhất theo Đề án của tỉnh vì là xã tần số cao. Qua thời gian hoạt động, tôi nhận thấy rất thuận lợi từ khâu vận hành đến chất lượng âm thanh. Đi đâu cũng nghe tiếng sóng truyền thanh vang vọng, người dân rất phấn khởi”.

Cụm thu truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông

Chị Phạm Thị Dục là nữ cán bộ đài truyền thanh xã duy nhất của huyện Phú Ninh hiện nay. Gắn bó với việc trực phát sóng trên đài truyền thanh xã Tam Phước gần 5 năm nay, chị Dục chia sẻ: Tôi may mắn vì luôn có sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình huyện Phú Ninh những khi máy móc gặp sự cố hay hệ thống loa hư hỏng cần phải sửa chữa, khắc phục. Cạnh đó, việc đi sớm về hôm cũng hơi bất tiện đối với phụ nữ, nhưng đã gắn bó với nghề nên tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ Đài cơ sở chỉ là kiêm nhiệm nhưng công việc rất nhiều, từ dự các cuộc họp của xã để nắm bắt thông tin tới chuẩn bị nội dung các chương trình phát sóng trong ngày, đọc các bản tin, chỉnh sửa loa máy và trực tiếp phát sóng. Tuy nhiên, nhờ hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông đưa vào hoạt động mà hiện nay, chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh, tôi có thể thực hiện tiếp, phát sóng các chương trình Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, huyện và chương trình phát thanh Đài xã.

Việc đầu tư hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, kịp thời và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. Xác định tầm quan trọng, cùng với cơ chế theo Nghị quyết 28/NQ-HDND ngày 29/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2023; Nghị quyết 27/NQ-HĐND ngày 28/9/2021 của Hội đồng nhân dân huyện và Kế hoạch số 64/ KH-UBND ngày 06/4/2022 của UBND huyện Phú Ninh về xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông trên địa bàn huyện Phú Ninh năm 2021-2025; Đến nay, Phú Ninh đã đầu tư hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 2 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 4.6 tỷ đồng, ngân sách xã gần 1 tỷ đồng để đầu tư hệ thống ở 11/11 xã, thị trấn, bao gồm các hạng mục: máy tính, bàn ghế, micro, mixer, cụm thu và loa. Phú Ninh hiện có tổng 247 cụm- 617 loa hoạt động tốt, phủ sóng toàn huyện. 

Hệ thống truyền thanh thông minh cũng đang dần thay thế vô tuyến (không dây FM), hữu tuyến (có dây) truyền thống, vốn đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Bà Trịnh Thị Bích Uyên- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình huyện Phú Ninh chia sẻ: Trước đây, khi công nghệ số chưa phát triển, truyền thanh vô tuyến FM bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến; hay bị chạm, chập, tín hiệu kém, đôi khi còn có sóng lạ… Khi hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin- viễn thông được áp dụng, chất lượng âm thanh tại các cụm loa tốt, rõ ràng và đặc biệt không bị chèn sóng; không bị giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu, không lẫn tạp âm và có thể xử lý chuyển từ văn bản giấy qua giọng nói v.v…

Với ưu thế đem lại, hệ thống truyền thanh thông minh giải quyết triệt để những hạn chế của loa truyền thanh truyền thống, mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc truyền tải tin tức, đưa thông tin về cơ sở. Và cũng đem lại những thuận tiện cho những cán bộ Đài cơ sở để tiếp thêm động lực cho họ tiếp tục với lửa nghề, giúp mọi thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến gần hơn với Nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.   

 

Tin liên quan