3 năm qua, ngoài nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình NTM, Phú Ninh lồng ghép từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu gắn thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí NTM, như: Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân… Theo đó, huyện đã huy động nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 104 tỷ đồng; trong đó Nhân dân đóng góp và huy động khác hơn 15%.
Theo Bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” giai đoạn 2022-2025, huyện hiện có 05 xã đạt 18/19 tiêu chí; 05 xã đạt 17/19 tiêu chí. Theo Bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” giai đoạn 2022-2025, có 02 xã đạt 15-17/19 tiêu chí (Tam Thái, Tam Phước); 08 xã còn lại đạt từ 8-14/19 tiêu chí. Bình quân đạt 12,2 tiểu chí/xã. Phú Ninh hiện đang phấn đấu 02 xã (Tam Phước, Tam Thái) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023. Cạnh đó, huyện nhà hiện đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM và 4/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Cũng 3 năm qua, huyện đã cứng hóa, bê tông hóa được gần 15km đường giao thông nội đồng; đầu tư nâng cấp được 27,69km giao thông nông thôn và đầu tư mở rộng 3,14km đường ĐX và trục thôn; Đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng 16,48km kênh mương loại III và kênh mương nội đồng được kiên cố lên 176 km, 56,4%, đầu tư nâng cấp 6 công trình thủy lợi nhỏ để phục vụ nước tưới sản xuất; Đầu tư hơn 11,5 km hạ áp; ngành điện đầu tư mới khoảng 7,3km đường dây trung áp, 16,3km đường dây hạ áp, cải tạo 3,8km đường dây hạ áp và 14 TBA; Hệ thống cơ sở vật chất như trường, lớp, phòng thực hành, phòng chức năng... phục vụ công tác giáo dục trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm xây dựng; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn;
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Hiện nay toàn huyện còn 451 hộ nghèo (1,97%), cận nghèo là 286 hộ (1,25%). Năm 2023, có 94.7% hộ đạt gia đình văn hóa; xây dựng 10 thôn NTM thông minh và 01 xã NTM thông minh về văn hóa (xã Tam Phước). Vai trò của của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã ngày càng được phát huy, thực hiện được nhiều mô hình nổi bật: “Tuyến đường đẹp”, “Nhà sạch, vườn đẹp, đường thông thoáng”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân vận động hội viên đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Huyện giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn…
Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2025, là duy trì, nâng chuẩn 09/09 xã đạt chuẩn xã NTM (trừ xã Tam Vinh); Xây dựng xã NTM nâng cao trên địa bàn 09 xã; trong đó, có ít nhất 05 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; Đạt ít nhất 02 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; Duy trì đạt huyện NTM, xây dựng huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; Duy trì, nâng chuẩn Thôn NTM kiểu mẫu đối với 17 thôn đã được công nhận Thôn NTM kiểu mẫu năm 2021 về trước; đối với 28 thôn còn lại, xây dựng đạt ít nhất 19 thôn NTM kiểu mẫu và nâng tổng số thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu đến năm 2025 là 36/45 thôn. Mỗi xã có ít nhất 01 thôn đạt chuẩn thôn thông minh; ít nhất 01 xã đạt xã thông minh; Và thực hiện đạt chuẩn ít nhất 05 tuyến đường mẫu gắn với xây dựng thôn NTM theo Bộ tiêu chí của huyện đã ban hành.
Hội nghị cũng nhìn nhận rằng, thời gian qua, việc đẩy mạnh xây dựng NTM lấy thôn làm địa bàn triển khai thực hiện xây dựng thôn NTM đã huy động người dân vào cuộc sâu hơn, mạnh mẽ hơn, gắn quyền lợi, trách nhiệm trong thực hiện Chương trình NTM, sẽ khơi dậy được sức mạnh nội sinh to lớn trong Nhân dân, thực hiện mỗi gia đình là một “hộ nông thôn mới”, góp phần xây dựng xã NTM đạt kết quả thuyết phục, bền vững…./.