Giá trị của Bản Tuyên ngôn
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bằng trí tuệ của mình, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc, đó là: “… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Và chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ ý này trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện như sau: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Nói “Tự do” và “Hạnh phúc” là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng. “Tự do” và “Hạnh phúc” cơ bản nhất, tối thiểu nhất theo cách nói của Hồ Chí Minh là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến...
Toàn văn “Tuyên ngôn độc lập” chỉ có 1.014 chữ, nhưng hàm chứa nội có ý nghĩa lịch sử lớn lao, mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam. Là thông điệp chính trị sâu sắc - đó chính là quyền được hưởng tự do, hạnh phúc của mỗi người dân Việt Nam. Và đó cũng là mục tiêu, lý tưởng của sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước hôm nay của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Khát vọng hạnh phúc cho Nhân dân
78 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết khẳng định về những giá trị về độc lập, tự do, hạnh phúc mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đang theo đuổi. Trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
Vấn đề quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội được nhấn mạnh. Phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là quan điểm của Đảng cũng là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn, đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Vận dụng quan điểm đó, Đảng bộ huyện Phú Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho đối tượng người có công cách mạng với tổng kinh phí 27,05 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách của huyện, đã chi thăm, tặng 266 suất quà cho gia đình chính sách gặp khó khăn, Mẹ VNAH, thương, bệnh binh nặng còn sống và từ trần, với tổng kinh phí 133.000.000 đồng. Thăm và tặng quà 431 gia đình các lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa đã từtrần; các đảng viên nguyên Ủy viên thường vụ, Huyện ủy viên qua các thời kỳ đã hy sinh, từ trần; các đảng viên nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trờ lên từ trần với tổng kinh phí 231.500.000 đồng. Ngoài ra, huyện còn thăm, tặng quà cho 255 đối tượng là mẹ VNAH còn sống, người có công và thân nhân thường xuyên đau ốm, bệnh tật với tổng kinh phí 178 triệu đồng nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/2023).
Đối với công tác bảo trợ xã hội, chăm lo cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn, được thực hiện đầy đủ. Trong mọi hoàn cảnh, mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước đều đến với Nhân dân. Trong 6 tháng, huyện đã chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 21,6 tỷ đồng. Mua 36,1 tấn gạo hỗ trợ Nhân dân nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Cũng nhân dịp này, huyện hỗ trợ tiền mặt cho 482 hộ nghèo, mỗi hộ 500.000 với tổng kinh phí 241 triệu đồng. Hỗ trợ hộ cận nghèo 444 khẩu, 245.000 đồng/khẩu với tổng kinh phí 108.780.000 đồng…
Những con số nêu trên chỉ là một phần trong rất nhiều việc làm mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở đã thực hiện để chăm lo đời sống cho Nhân dân. Những con số nêu trên là một trong minh chứng về ý chí, khát vọng đem lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Đó cũng là bản chất tốt đẹp của Chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang xây dựng.