XÃ HỘI HỌC TẬP NGÀY ẤY- BÂY GIỜ

Mầm mống về Khái niệm xã hội học tập

Sau khi Chỉ thị 11 của Bộ chính trị khóa X năm 2007 ban hành về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập", nhiều người cho rằng xã hội học tập ở Việt Nam bắt đầu thực hiện từ năm 2007. Có người nói khi có Quyết định số 89 ngày 09/01/2013 và 281 ngày 20/02/2014 của Chính phủ ban hành về đề án xây dựng xã hội học tập nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, lúc này khái niệm xã hội học tập mới được sáng tỏ. Số người khác đưa ra nhiều lý lẽ để chứng minh rằng xã hội học tập bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ 20 ở Nhật Bản, sau đó lan ra các nước Đông Nam Á và Việt Nam bây giờ đang trong thời hội nhập quốc tế mới bắt đầu học tập làm theo. Từ cách hiểu của mỗi người khác nhau nên qui nạp theo những cách khác nhau đó cũng là lẽ thường tình. Ở góc độ lịch sử, chúng ta có cái nhìn khách quan về lịch sử dân tộc Việt Nam hơn 70 năm trước. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 Bác Hồ có mong ước rất đỗi bình dị là "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", vấn đề học hành, Bác luôn nhắc nhở rằng: người biết dạy cho người chưa biết. Song song với học chính quy Bác khuyến khích mở các lớp không chính quy dành cho người lớn, người nghèo, người lao động trong các công, nông, lâm trường và cả cho cán bộ, bộ đội, dân quân du kích với phương châm "học đi đôi với hành". Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản năm 1935 khi khai lý lịch, trả lời câu hỏi về trình độ học vấn Nguyễn Tất Thành ghi là: Tự học; Khi trả lời câu hỏi biết ngoại ngữ nào thì Nguyễn Tất Thành ghi: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức ,Ý. Bác luôn luôn nhắc đồng chí mình và thế hệ trẻ phải học và tự học. Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương sáng về tự học. Như vậy Khái niệm xã hội học tập không phải mới có và trừu tượng như nhiều người nhầm tưởng mà thực ra đã có mầm mống từ lâu và được sử dụng ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Huyện Phú Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm xây dựng XHHT

Cơ hội học tập cho mọi người, không phân biệt độ tuổi, giới tính, trình độ...

Xã hội học tập là vấn đề rộng lớn, việc học không còn đóng khung trong khuôn khổ của một tổ chức nhà trường mà nó thoát ra khỏi căn bệnh về bằng cấp vươn lên tự học, thực học, coi trọng thực hành và mang lại hiệu quả đích thực cho công việc thường ngày của họ. Vậy ai học? học nội dung gì? học ở đâu? và học để làm gỉ?... Đó là những câu hỏi cần được giải đáp một cách tường minh để tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng đến với cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân. Thật ra, mọi người trong xã hội đều phải học. Không chỉ có trẻ em trong độ tuổi phải ra lớp và học sinh phổ thông, Cao đẳng, Đại học đến trường, mà mọi người tham gia học tập không phân biệt độ tuổi, nam, nữ, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ; mọi thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cho đến cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp... đều có cơ hội học tập. Học những gì cần cho mình, học những điều mình muốn, phù hợp với công việc đang làm, ngành nghề đang có hoặc học để chuyển đổi ngành nghề, nâng cao tay nghề, nâng cao thể lực và sức khỏe, hoặc học để biết và hướng dẫn cho người khác làm theo, kể cả các hoạt động giải trí và tình nguyện. Nói một cách chung nhất là học cho mình, cho người và cho xã hội ngày tốt đẹp hơn. Tùy theo nội dung cần học mà mỗi người có thể đến Thư viện, Bảo tàng, nhà Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng, Công ty, Xí nghiệp hoặc tự học ở nhà có theo dõi ghi chép thông qua Ti-Vi, Internet.... Và tất nhiên kiến thức học được phải đem ra thực hành để kiểm chứng và rút kinh nghiệm, áp dụng có kết quả vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển kinh tế cho gia đình, cho xã hội, thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành và thực hành mang lại hiệu quả.

Một số nước như Nhật Bản, Singapor, Indonesia, thập niên 80 của thế kỷ 20 họ cũng thực hiện nền giáo dục mở và đã rất thành công trong môi trường giáo dục không chính quy. Hiện nay họ vẫn đang theo đuổi chính sách xây dựng xã hội học tập suốt đời. Họ quan niệm học tập của mỗi con người không thể là dấu chấm hết khi học xong chương trình phổ thông lúc còn trẻ, mà suốt cuộc đời lúc nào cũng phấn đấu cho mình cơ hội học tập. Trong điều kiện già hóa dân số như hiện nay, các nước phát triển tập trung nâng cao môi trường văn hóa của địa phương, kêu gọi sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động xã hội để góp phần giáo dục toàn diện đối với thanh, thiếu niên. Mặt khác vận động người già tham gia vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương cũng như giao lưu, tiếp xúc với trẻ em tạo sự gần gũi, " kính già yêu trẻ", làm cho môi trường giáo dục gia đình, nhà trường ngày càng xích lại gần hơn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam chúng ta đặt vấn đề xây dựng xã hội học tập là tất yếu, khách quan để cho mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời và học tập nhất thiết phải gắn với phát triển kinh tế xã hội trong mỗi vùng miền và từng địa phương cụ thể. Xin trích dẫn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để kết thúc bài viết: " Dạy ai? dạy cái gì? dạy như thế nào? Và dạy để làm gì?". Mong rằng trong mỗi chúng ta cần suy ngẫm về lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ chính trị khóa X và cụ thể hóa triển khai đề án xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 89 và 281 của Chính phủ một cách có hiệu quả./.

Tin liên quan