Liệt sỹ Hoàng Lang
Sau thời gian được chính quyền cách mạng và nhân dân Phước Lợi giúp đỡ sản xuất và ổn định cuộc sống, vợ chồng Hoàng Lang dựng tạm ngôi nhà tranh tre xinh đẹp bên dòng suối nhỏ, cách chân đèo Hố Ngãi vài cây số về hướng đông, sát con đường Tam Kỳ - An Lâu - Bồng Miêu, nơi thường ngày có nhiều khách vãng lai lên non, xuống bể trao đổi mua bán. Với lợi thế có được, Hồng Thị Mai vợ Hoàng Lang, người phụ nữ đẹp nết, đẹp người ban đầu mở quán tráng bánh, bán mì, làm bún công việc dần dần ổn định và chuyển dần sang làm "chè xào" phục vụ khách hàng khắp nơi. Vào đầu thập niên những năm 50 của thế kỷ trước, cách mạng nhận ra gia đình Hoàng Lang là nơi có điều kiện để tập trung tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng sâu rộng trong nhân dân, mặt khác Hoàng Lang là người có vốn kiến thức bậc trung nhưng giỏi văn, thơ, nhạc, biết nhiều ngoại ngữ Anh, Trung, Pháp...và có quan điểm lập trường cách mạng vững vàng. Từ đó cách mạng vận động Hoàng Lang mở lớp học tại gia, ban đầu dạy trẻ em trong làng, lớp học có nhiều trình độ khác nhau nên mỗi ngày thầy giáo phải chuẩn bị nhiều nội dung giáo án khác nhau. Tiếng lành đồn xa, học trò thầy Lang học hành nhanh tiến bộ, dần dần phụ huynh khắp nơi trong xã dẫn con đến gởi thầy dạy bảo. Lớp đông dần, phụ huynh giúp thầy cơi nới thêm lán trại để dạy học cả ngày, rồi ban đêm lại phải thắp đèn dầu dạy xóa mù chữ cho nhân dân trong vùng và dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, hội viên đoàn thể. Từ đó công việc sản xuất và bán buôn do bà Mai vợ thầy vất vả quán xuyến. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố, truy lùng bắt bớ và tra tấn cán bộ cách mạng gắt gao. Tình hình cách mạng lúc này phải tạm rút vào hoạt động bí mật, Đảng chỉ đạo giải tán nhanh lớp học cho cán bộ và nhân dân vào ban đêm, chỉ duy trì lớp học cho con trẻ hàng ngày để che mắt mật thám, chính quyền địch và nơi đây tiếp tục là địa chỉ để cách mạng tiếp nhận, chuyển thông tin đi và đến thông qua thầy giáo Hoàng Lang. Chiến tranh ngày càng lan rộng, Phước Lợi và An Lâu là 2 nơi của Kỳ Quế và Kỳ Sơn trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Trước tình thế ngày càng gay cấn, để bảo vệ tính mạng cho học sinh và tiếp tục duy trì nhà thầy Lang làm nơi cán bộ hoạt động đi về bám dân, tuyên truyền chủ trương của Đảng. Cán bộ cách mạng vận động phụ huynh giúp thầy Lang làm hầm trú ẩn cho học sinh khi có phi pháo, đồng thời bí mật đào một hầm ngầm từ trong nhà thông ra con suối nhỏ, lấy cớ thoát nước cho hầm nổi chữ A bên trong về mùa mưa, nhưng thật ra đây là nơi trú ẩn lúc lâm nguy cho cán bộ cách mạng đi về hoạt động. Lớp học duy trì đến năm 1965 cũng là thời điểm quân Mỹ đổ quân vào Chu Lai, lúc này Mỹ- ngụy phối hợp đánh phá ác liệt Kỳ Quế, Kỳ Sơn bằng máy bay, xe tăng và pháo tầm xa các loại bất kể ngày đêm, gây cho làng quê tiêu điều xơ xác, nhà cửa bị đốt phá, đồng bào và cán bộ ta bị thương vong ngày càng nhiều hơn. Để đảm bảo tính mạng cho học sinh, lớp học tại nhà thầy Lang cũng kịp giải tán. Hai người con trai thầy Lang là Hoàng Xuân Mai, Hoàng Xuân Thắng cũng được gia đình động viên tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ và được Quân khu 5 chọn về trên phục vụ; thầy Lang tiếp tục tham gia cách mạng địa phương và được Đảng giao nhiệm vụ làm công tác thông tin tuyên truyền, trụ bám cùng dân và đi tiên phong trên mặt trận chính trị tư tưởng. Đến lượt người con gái Hoàng Thị Hảo cũng tham gia cơ sở cách mạng và hoạt động ngay trong lòng địch, nấp dưới danh nghĩa cô thợ may để nắm thông tin cung cấp cho cách mạng; có lúc bị địch bắt tù đày tra hỏi, nhưng Hảo nhất quyết không khai báo. Bà Hồng Thị Mai vợ thầy giáo Lang mừng lắm khi thấy con trai, con gái trưởng thành và tham gia cách mạng, được cấp trên tin yêu, đồng đội mến phục. Có lúc tự hào về người thầy, người cha các con chính là thầy Lang chồng mình đã gần vài chục năm dạy bảo bao lớp học sinh, trong đó có con mình thành người, và sẵn sàng đem tài năng, đức độ phụng sự quốc gia dân tộc và bà có quyền mơ về một tương lai không xa đất nước hòa bình, dân tộc phồn vinh, gia đình hạnh phúc! Ngày ấy khi giấc mơ chưa thành hiện thực, bà Mai bàng hoàng khi nghe tin con trai đầu Hoàng Xuân Mai anh dũng hy sinh tại mặt trận phía bắc của tỉnh; chưa kịp hồi tĩnh, bà tiếp nhận thông tin quặn thắt ruột gan khi Hoàng Xuân Thắng hy sinh tại mặt trận phía tây ngày 10 tháng 12 năm 1967. Bà một lần nữa nước mắt lại chảy vào trong, quyết giữ vững bản lĩnh, động viên chồng con giữ vững khí tiết cách mạng. Sau chiến thắng mùa xuân năm Mậu thân 1968, địch điên cuồng đánh phá ác liệt hơn, ngày 04 tháng 4 năm 1968 trong một trận càn quét của Mỹ vào làng Phước Lợi, thầy Hoàng Lang và đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh khi vừa sang tuổi 52. Thầy Lang hy sinh đã để lại bao tiếc thương vô hạn cho đồng bào đồng chí, phụ huynh và học sinh nhiều thế hệ về tấm gương mẫu mực, đức độ và tài năng của một ông giáo làng tất cả vì học sinh thân yêu, một cán bộ cách mạng suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân.
Sau ngày giải phóng, cả gia đình thầy Hoàng Lang 6 người thì có 3 liệt sỹ hy sinh, 01 bị thương tật do tù đày. Ghi nhận công lao to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước công nhận thầy Hoàng Lang và 2 con trai là liệt sỹ, Khen tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 cho Hoàng Thị Hảo và phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho bà Hồng Thị Hảo có chồng và 2 con là liệt sỹ./.